UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu của kế hoạch là quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) tại Khánh Hòa nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm về các chất POP, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể trong việc kiểm soát ô nhiễm POP từ các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển các hóa chất POP; kiểm soát ô nhiễm và xử lý các vật liệu, chất thải chứa hóa chất độc hại...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh, năm 2017, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.023,5 tấn/năm; phát sinh từ nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, du lịch, giao thông vận tải, khoáng sản…, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn thuộc các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, bệnh viện cũng phát sinh lượng lớn chất thải y tế nguy hại (khoảng 66kg/ngày và đã được thu gom, xử lý đạt 99,4%). Chất thải nông nghiệp nguy hại chủ yếu là bao bì thuốc bảo vệ thực vật (35 tấn/năm), phần lớn xử lý theo mô hình thu gom chung với rác thải sinh hoạt hoặc người dân tự chôn, đốt. Tính đến tháng 3-2018, có khoảng 20 đơn vị hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Bộ TN-MT cấp phép hoạt động thu gom chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh có 1 Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa và đang vận hành ổn định.