Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang

Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “di lập Ất Hợi – 1815”.

Đình Võ Cạnh được nhân dân xây dựng lên để thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền.

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn (cổng), sân đình, miếu thờ các liệt sĩ, giếng nước, Tiền tế, Thiên tỉnh (giếng trời), miếu thờ Tiền hiền, miếu thờ Hương hiền, Chính điện, nhà Đông (phòng sinh hoạt các đoàn thể thôn Võ Cạnh), nhà trù.

Đình quay hướng nam, mặt trước đình giáp đường 23/10. Sau lưng đình giáp với trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu.

Trang trí trong di tích: Đình được trang trí đẹp với các mảng vẽ màu hình ảnh thiên nhiên cây cỏ, hoa lá, chim muông, các hình tứ linh, tứ quí, đặc biệt là các tượng linh vật trang trí trên bờ nóc, bờ dải, các hình chạm khắc trên đầu cột, đầu dư… Bên trong đình được trang trí uy nghi với các bàn thờ, hoành phi, câu đối, trấn, trướng, trống, chiêng, lọng…Trên đầu cột gắn các đĩa men cổ; chính điện có kết cấu cổ lầu tạo cho ngôi đình nét uy nghi, cổ kính.

Đình Võ Cạnh có kết cấu mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Việt, với các hoạ tiết hoa văn vẽ, trạm khắc, các hình đắp nổi trên tường mang phong cách truyền thống như các hình Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Tứ quí (Tùng, Trúc, Cúc, Mai), các linh vật như hình Long (Rồng), Lân, Phụng các hình mây cách điệu kiểu Rồng, Phượng… gắn trên cổng, trên bờ nóc, bờ dải…

Di tích hiện nay được bảo quản tốt, năm 1939 đại trùng tu đình, từ đó đến nay đình được tu bổ nhiều lần với từng phần nhỏ (lợp lại ngói, trát lại tường, lát lại nền) và hàng năm khi sắp tới lễ hội đình hoặc gần tết cổ truyền được sơn lại.

Hiện nay, đình còn lưu giữ 04 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
– Sắc phong thời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Cao Các;
– Sắc phong thời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Cao Các;
– Sắc phong thời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong Cao Các;
– Sắc phong thời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong Cao Các Tôn Thần.

Hàng năm, tại đình diễn ra lễ Xuân kỳ Thu tế, nhưng lễ hội chính và lớn nhất trong năm là lễ cúng Xuân vào ngày 25 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội lớn hay nhỏ, diễn ra một ngày hay 3 ngày và trong lễ hội có hát bội hay không là tuỳ thuộc vào kinh phí đóng góp của bà con nhân dân trong thôn.

Lễ hội là dịp để mọi người dân trong làng dù đang sinh sống tại quê hương, hay đã đi làm ăn ở nơi xa đến dâng lễ vật, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính tri ân công đức đối với Thành Hoàng làng, các vị thần phù trợ, bảo hộ cho dân làng làm ăn sinh sống và các vị Tiền hiền, Hậu hiền những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng. Đình Võ Cạnh còn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân cư nơi đây; là nơi thờ Thành Hoàng làng, phối thờ Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, qui dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…) và phối thờ các chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ quê hương đất nước.

Thông qua lễ hội đình làng nhằm giáo dục cho con cháu truyền thống yêu nước, biết ứng xử văn hoá với cộng đồng làng xóm, những người xung quanh, biết kính trên nhường dưới, yêu quê hương đất nước với tinh thần đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Ghi nhận những giá trị lịch sử – văn hóa của di tích, năm 2009 đình Võ Cạnh được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Bá Trung Toản